Giải pháp hữu ích đầu tiên
Là một trong những bằng độc quyền giải pháp hữu ích hiếm hoi và có thể nói là đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội (bên cạnh bằng độc quyền sáng chế đầu tiên năm 2008 của nhóm PGS.TS Lê Thị Hồng Hải), quy trình chế tạo chất xúc tác này của nhóm PGS.TS Lê Minh Cầm không khỏi khiến người ta tò mò về “hoàn cảnh” ra đời của nó, nhất là khi nơi sở hữu bằng độc quyền ấy lại là một trường đại học vốn có đặc thù thiên nhiều về công tác giảng dạy như Đại học Sư Phạm.
Là người đứng đầu nhóm nghiên cứu Hóa lý bề mặt của Khoa Hóa học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Lê Minh Cầm đã sớm quan tâm đến một vấn đề nổi cộm, đó là hiện nay, hầu hết tất cả các quá trình sản xuất công nghiệp, đặc biệt là sản xuất sơn, mực, bao bì, lọc hóa dầu,… đều đang sử dụng dung môi là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) như benzen, toluen, xylen, dẫn đến sự có mặt của các hợp chất này trong khí thải của nhiều nhà máy. Đáng nói, đây là các hợp chất này thuộc nhóm có khả năng gây ung thư, đột biến gen và ô nhiễm môi trường. “Trong số đó, một tác hại điển hình của VOC là có thể gây ra hiện tượng sương mù quang hóa - khi sự có mặt của VOC gây chuyển hóa tạo ra ozone ở tầng thấp - yếu tố rất nguy hại đối với môi trường. Không chỉ vậy, các hợp chất có hại này không chỉ ở mỗi địa điểm sản xuất mà còn có thể phát tán và gây ô nhiễm ở các nơi khác”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Nghiền ngẫm các tài liệu tại Việt Nam và quốc tế, nhóm nghiên cứu biết đã có nhiều phương pháp xử lý được áp dụng và đem lại hiệu quả như hấp phụ, oxy hóa nhiệt, oxy hóa xúc tác, lọc sinh học,.. "Trong đó, phương pháp oxy hóa xúc tác được xem là phương pháp có nhiều triển vọng nhất do có hiệu suất xử lý cao, cho phép thực hiện ở nhiệt độ tương đối thấp và làm giảm sự hình thành các sản phẩm gây ô nhiễm thứ cấp", TS. Nguyễn Thị Mơ, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích. Song, điều đáng nói là hiện nay, những chất xúc tác đem lại hiệu quả tốt nhất và có thể xử lý VOC ở nhiệt độ thấp lại được chế tạo dựa trên các kim loại quý và khan hiếm như vàng, platin, paladin nên có giá thành rất cao. Hơn nữa, các xúc tác này còn kém bền và dễ bị ngộ độc bởi các hợp chất chứa clo và lưu huỳnh nên chỉ một thời gian ngắn sau khi sử dụng sẽ dễ bị mất đi hoạt tính và khả năng xử lý. “Bởi vậy, các hệ xúc tác dựa trên oxit kim loại chuyển tiếp có giá thành thấp hơn, bền hơn và ít bị ngộ độc hơn đang được coi là các chất xúc tác đầy tiềm năng để thay thế", TS. Mơ nói.
Ảnh: TS. Nguyễn Thị Mơ, thành viên nhóm nghiên cứu, trong phòng thí nghiệm