Search

Đề tài nghiên cứu khoa học sẽ trọng tâm trọng điểm hơn

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để các đề tài nghiên cứu khoa học có trọng tâm trọng điểm hơn.
Đề tài nghiên cứu khoa học sẽ trọng tâm trọng điểm hơn

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết như trên khi trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều ngày 19/3.

Trước hết nhà khoa học phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Tại Phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật có nêu, thời gian qua có sự trùng lặp giao nhiệm vụ KH&CN giữa các bộ, ngành, địa phương. Kết quả nghiên cứu của các đề tài chưa được ứng dụng hiệu quả và sử dụng ứng dụng dẫn đến lãng phí nguồn lực lớn. 

“Với vai trò Bộ trưởng Bộ KH&CN, xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới không để xảy ra tình trạng này?”, đại biểu Nguyễn Trường Giang hỏi.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, đây là hạn chế, trăn trở mà thực tế vẫn còn. Về quy định pháp luật, Bộ trưởng Bộ KH&CN chịu trách nhiệm đề tài cấp quốc gia; các bộ ngành, UBND tỉnh chịu trách nhiệm từ đầu vào đến nghiệm thu cũng như tiếp nhận kết quả.

“Bộ trưởng cùng nhìn nhận việc này dẫn đến từ nhiều phía. Một là khi đăng ký đề xuất nhiệm vụ. Hai là khi nghiệm thu không tuân thủ theo quy định kịp thời để đăng ký lưu giữ. Đây thực sự là một áp lực”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.

Nói về giải pháp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng bày tỏ “chúng tôi rất trăn trở” và cho hay từ việc thu thập, đăng ký đề tài, lưu giữ toàn bộ thông tin 100% đề tài cấp quốc gia khi nghiệm thu đều được công khai, minh bạch. Hiện cơ sở dữ liệu quốc gia có 25.000 nhiệm vụ các cấp, 250.000 công bố trong và ngoài nước liên thông với quốc tế.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, giải pháp đặt ra đối với vấn đề này là cần tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra, vào cuộc ngay khi đăng ký nhiệm vụ và rà soát xong có xác nhận kiểm tra. Trước hết nhà khoa học phải tự chủ tự chịu trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp. 

Cùng chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) muốn biết hàng năm ngân sách nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền để thực hiện đề tài nghiên cứu KH&CN.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng chất vấn, Bộ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả các đề tài này. Có hay không tình trạng các đề tài nghiên cứu khoa học “bỏ ngăn tủ”. Với trách nhiệm của mình Bộ trưởng làm gì để khắc phục tình trạng này?”.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, đề tài “bỏ ngăn kéo”  chỉ là một cách ví von. Nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ đã trăn trở với tình trạng này. Nhìn tổng thể có thể thấy rằng các đề tài đang còn chậm được ứng dụng trên mọi mặt trận. Với trách nhiệm từng đồng thuế của nhân dân nhìn một cách tổng thể, thấu đáo, có nghĩa chậm ứng dụng trong cuộc sống là lãng phí”.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong đại biểu quốc hội chia sẻ đặc thù trong KH&CN là có độ trễ, có rủi ro, có những nghiên cứu khoa học chỉ phục vụ công ích. Nhiệm vụ của ngành là muốn giải quyết hệ thống việc này. Hiện, Bộ đang tập trung rà soát, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu KH&CN để giải quyết một cách hệ thống vấn đề này.

Về nguồn lực ngân sách, Bộ trưởng KH&CN cho hay, đang chuyển động theo hướng tích cực. Hiện nguồn ngân sách dành cho nhiệm vụ cấp quốc gia là 2.900 tỷ. Trách nhiệm với từng đồng thuế của dân, chúng ta cần quan tâm hơn đến việc huy động xã hội vào lĩnh vực này.

Đưa ra ví dụ về trường hợp này, Bộ trưởng cho biết hiện có 200 doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành lập quỹ đổi mới doanh nghiệp 3.800 tỷ. Riêng Viettel hàng năm dành hơn 4.500 tỷ, lớn hơn số gần 3.000 tỷ dành cho nhiệm vụ quốc gia.

Dồn nguồn lực cho nghiên cứu trọng điểm

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với lĩnh vực nghiên cứu KH&CN thời gian qua đều được thực hiện đúng theo nghị quyết của Quốc hội là bố trí khoảng 2% tổng chi ngân sách mỗi năm cho lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, về tình trạng lãng phí trong các đề tài nghiên cứu khoa học vẫn còn, nhiều đề tài nghiên cứu nhất là đề khoa học xã hội và nhân văn không gắn với hiệu quả, không gắn với ứng dụng.  

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng cần phải có giải pháp cụ thể hơn để tránh tình trạng nghiên cứu lãng phí như vừa qua. Vì 2% ngân sách chi cho khoa học công nghệ là không hề nhỏ.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, để khắc phục và hạn chế tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn “bỏ ngăn tủ”, Bộ KH&CN đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để các đề tài nghiên cứu khoa học có trọng tâm trọng điểm hơn. 

Hiện các địa phương đã kiên quyết bỏ các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội cấp cơ sở để dồn nguồn lực cho các nghiên cứu trọng điểm cấp tỉnh. Ngay một tỉnh nghèo như Hà Giang hiện cũng đã không còn các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn cấp cơ sở mà tập trung cho các nghiên cứu thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Bảo Chi (lược ghi)
Nguồn: Truyền Thông Khoa học & Công nghệ
  • Chia sẻ

Bài viết trước

Tìm hiểu về các chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu liên quan đến sở hữu trí tuệ

Bài tiếp tiếp theo

Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học phân tử của các chủng virus gây ra dịch tiêu chảy cấp ở lợn (Porcine epidemic diarrhea-PED) đang lưu hành ở Việt Nam và ứng dụng trong chẩn đoán và định hướng sản xuất vaccine