Search

Điều chế xanh hệ nanocomposite hydrogel trên cơ sở chitosan pluronic nhạy cảm nhiệt kết hợp nano curcumin ứng dụng chữa lành vết thương bỏng độ 3

Vết thương trên da là không thể tránh khỏi trong cuộc sống, do đó phục hồi chức năng sau chấn thương vẫn là mục tiêu chính của nghiên cứu kỹ thuật mô. Các chấn thương lớn như bỏng độ ba trở lên, điều trị lâu dài hay bỏng sâu khiến cho cơ chế tự phục hồi của da không hoàn hảo, dẫn đến sự hình thành các mô sẹo, gây mất thẩm mỹ, khuyết tật mãn tính, thậm chí là tử vong.
Điều chế xanh hệ nanocomposite hydrogel trên cơ sở chitosan pluronic nhạy cảm nhiệt kết hợp nano curcumin ứng dụng chữa lành vết thương bỏng độ 3

Hiện nay hướng nghiên cứu tạo các loại băng vết thương từ vật liệu sinh học có chứa các hoạt chất hỗ trợ điều trị dành được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, bởi chúng có khả năng cung cấp độ ẩm cho da, hấp thụ các dịch tiết ra quá mức ở vết thương, hoạt động như một hàng rào chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật, giảm đau tối đa trong quá trình thay băng, không độc hại và có chứa hoạt chất hỗ trợ điều trị, góp phần thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.

Mới đây các nhà nghiên cứu Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổng hợp thành công hệ nanocomposite hydrogel, tạo ra màng phủ vết thương thông minh. Đây là một trong những kết quả đáng chú ý của đề tài “Điều chế xanh hệ nanocomposite hydrogel trên cơ sở chitosan pluronic nhạy cảm nhiệt kết hợp nano curcumin ứng dụng chữa lành vết thương bỏng độ 3” Mã số: VAST03.08/17-18, được thực hiện trong 02 năm từ năm 2017 đến 2018, do PGS.TS. Trần Ngọc Quyển làm chủ nhiệm. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiệm thu và xếp loại xuất sắc ngày 18/06/2019.

Trong nghiên cứu này, hệ nanocomposite hydrogel sinh học mới được tổng hợp trên cơ sở copolymer ghép nhạy cảm nhiệt chitosan-pluronic F127 và nanocurcumin ứng dụng trong điều trị bỏng độ 3. Loại vật liệu này có sự chuyển đổi trạng thái vật lý từ lỏng sang gel, cụ thể, khi ở nhiệt độ thấp hơn 32oC vật liệu ở trạng thái lỏng, và chuyển thành trạng thái gel giống như màng sinh học ở nhiệt độ trên 32oC, do đó làm tăng khả năng tiếp xúc của màng với bề mặt vết thương. Đồng thời, nhờ cấu trúc 3D của hydrogel composit nên vật liệu có khả năng thấm hút để loại bỏ dịch tiết ra từ vết thương, bổ sung độ ẩm cho vết thương, tránh tình trạng khô nẻ thường thấy trên bề mặt vết thương. Màng hydrogel composite khi trương lên tạo một áp lực lên bề mặt vết thương, không những kích hoạt sự di chuyển của nguyên bào sợi, mà còn nhả ra hoạt chất curcumin hỗ trợ điều trị, giúp cho việc tái tạo phần mô bị tổn thương nhanh hơn (Hình 1).

T7.tnquyen1
Hình 1. Điểm chuyển sol-gel của hệ hydrogel chitosan-pluronic chứa nanocurcumin và sự phân bố của nanocurcumin trong mạng lưới hydrogel.

Đặc biệt, nhờ sự tham gia của chitosan, nanocomposite hydrogel cho thấy sự hiệu quả trong việc chống lại nhiều loại vi khuẩn (cả gram dương và gram âm) khi so sánh với việc sử dụng hydrogel hoặc curcumin. Các kết quả thu được chỉ ra rằng, nanocomposite hydrogel có thể tạo ra một môi trường thích hợp để hỗ trợ các tế bào tái tạo phát triển và góp phần tăng cường hiệu quả tái tạo da ở mô hình tổn thương bỏng cấp độ ba so với sản phẩm thương mại Silvirin (Hình 2), trên cơ sở đánh giá độ co rút vết thương cũng như phân tích hóa mô miễn dịch.

T7.tnquyen2

T7.tnquyen3
Hình 2. Kết quả tăng sinh tế bào của hệ nanocomposite hydrogel (a,b) và kết quả điều trị trên mô hình bỏng độ 3 (3)

Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã công bố 03 bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI; 01 bài báo đăng trên tạp chí Dược học và 01 bài báo cáo ở hội nghị quốc tế. Đề tài đã đào tạo được 01 thạc sĩ và góp phần 01 đào tạo 01 nghiên cứu sinh.

Xem nội dung bài đăng trên tạp chí khoa học tại các trích dẫn sau: 

  1. https://doi.org/10.1016/j.msec.2018.02.006
  2. https://doi.org/10.1155/2018/5754890
  3. https://link.springer.com/chapter/10.1007%2F978-981-13-0947-2_13
  4. http://www.vjol.info/index.php/tcdh/article/view/28298

PGS.TS. Trần Ngọc Quyển - Phòng Vật liệu Hóa dược-Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng
Xử lý tin: Mỹ Hải

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Tìm hiểu về các chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu liên quan đến sở hữu trí tuệ

Bài tiếp tiếp theo

Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học phân tử của các chủng virus gây ra dịch tiêu chảy cấp ở lợn (Porcine epidemic diarrhea-PED) đang lưu hành ở Việt Nam và ứng dụng trong chẩn đoán và định hướng sản xuất vaccine

Danh mục tin