Quang cảnh lễ khánh thành Khu CNTT tập trung Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Đình Nam
Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Đà Nẵng (Da Nang IT Park) được thiết kế và vận hành theo mô hình Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) trên diện tích 341 ha với tổng vốn đầu tư 121 triệu USD. Đây là khu CNTT tập trung lớn nhất cả nước đến thời điểm này.
Giai đoạn 1 của Da Nang IT Park đã hoàn thành xây dựng trên diện tích 131 ha với chi phí đầu tư 47 triệu USD.
Da Nang IT Park xác định tầm nhìn trở thành một trong những cộng đồng phát triển CNTT tốt nhất châu Á. Khi hoàn thành toàn bộ, Da Nang IT Park đạt mức doanh thu 1,5-3 tỷ USD/năm, thu hút 25.000 lao động trình độ cao.
Da Nang IT Park cung cấp dịch vụ cho các công ty CNTT với một số phân khu, gồm: Nghiên cứu-phát triển, đào tạo, vườn ươm, sản xuất và cung ứng dịch vụ CNTT, triển lãm, hội thảo, hạ tầng kỹ thuật-dịch vụ... Các ngành nghề thu hút đầu tư vào Da Nang IT Park là công nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số, nghiên cứu-phát triển và đào tạo...
Các doanh nghiệp CNTT đầu tư vào đây được miễn phí tiền thuê đất từ 5-50 năm, được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập, thuế xuất nhập khẩu.
TP. Đà Nẵng cũng hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính theo dịch vụ một cửa và các khoản phí hành chính; mở điểm thông quan, hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh nhiều lần và thời gian phù hợp cho người nước ngoài; hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận tín dụng, tìm kiếm và tuyển dụng nhân lực chất lượng cao...
Trong khi đó, nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Shunshine (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) được xây dựng trên tích 16 ha, có tổng vốn đầu tư 170 triệu USD. Nhà máy sẽ đi vào hoạt động sau 1 năm xây dựng, với hơn 1.000 lao động, cung cấp sản phẩm cho các công ty hàng không, vũ trụ trên khắp thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đây là 2 trong nhiều hành động cụ thể, hết sức có ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng trong thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố tới năm 2030 tầm nhìn 2045 và Chỉ thị của Thủ tướng nhằm tăng cường tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phó Thủ tướng cho rằng không chỉ là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà ngay từ những năm 1990 khi CNTT phát triển rất nhanh tạo ra cơ hội lớn cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia thì Việt Nam đã rất nỗ lực nắm bắt khoa học công nghệ để phát triển mạnh mẽ, tăng cường hội nhập.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu thực tế Việt Nam dù được đánh giá có năng lực, tiềm năng trở thành một trung tâm CNTT, truyền thông nhưng đến nay vị thế của chúng ta trên trường quốc tế trong lĩnh vực này còn khiêm tốn. Chúng ta đã rất nỗ lực để có hệ thống hạ tầng viễn thông, CNTT; ứng dụng CNTT rộng rãi trong Chính phủ, doanh nghiệp, xã hội nhưng chỉ số ứng dụng CNTT của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên thế giới. Chúng ta đã nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực CNTT nhưng mới có 120.000 nhân lực phần mềm trên hơn 90 triệu dân.
Công nghiệp CNTT đã đạt doanh thu xấp xỉ 100 tỷ USD nhưng tỉ lệ lớn là phần cứng chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất. Còn công nghiệp phần mềm của Việt Nam, dù thuộc TOP 10 nước gia công phần mềm tốt nhất thế giới, cũng mới chỉ đạt 4,3 tỷ USD.
Vì thế, Chính phủ luôn chủ trương khuyến khích các tỉnh, thành phố, nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu mối giao thông lớn, chú trọng phát triển các khu công nghiệp phần mềm, khu công nghệ cao.
Chủ trương đó đã được cụ thể hoá với sự xuất hiện của hàng loại khu công nghiệp, công viên phần mềm. Năm 2009, khu công nghiệp phần mềm Quang Trung (TPHCM) được xây dựng trên diện tích 43 ha. Tiếp đó năm 2011, khu công viên phần mềm ở TP. Đà Nẵng. Năm 2013 là khu công nghiệp phần mềm ở Cầu Giấy, Hà Nội. Năm 2016 Hà Nội có khu công nghiệp phần mềm thứ hai và hôm nay là Da Nang IT Park, khu công nghiệp phần mềm lớn nhất cả nước đến thời điểm hiện nay.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ TP. Đà Nẵng cũng như Da Nang IT Park kêu gọi đầu tư, làm những việc cần thiết về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp tìn thấy cơ hội phát triển.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng cần có thêm những công trình, dự án để thực sự là trung tâm của cả nước trong tiếp cận công nghệ mới, đặc biệt là CNTT, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Thế giới xếp hạng 100 nước, chiếm 96% GDP toàn cầu, chia làm 4 nhóm về khả năng tiếp cận nền sản xuất mới thì Việt Nam ở nhóm thứ 4 cùng với 56 nước khác. Chúng ta không thể tiếp cận được cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không có nhiều công trình, dự án phát triển CNTT, truyền thông, trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đây là hệ thống các trung tâm kết nối với các công viên phần mềm, khu CNTT, vườn ươm công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học để hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo nhằm tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực chất, hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.
Đình Nam
Liên kết nguồn tin: Báo Điện tử Chính phủ