GS.TSKH Đỗ Tất Lợi.
GS.TSKH Đỗ Tất Lợi cũng vinh dự đứng trong hàng ngũ những nhà khoa học được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (1996). Cuộc đời ông là một hành trình vẻ vang, bởi ông đã làm rạng danh cho nền dược học nói riêng, khoa học Việt Nam nói chung.
Chọn đường
Giáo sư Đỗ Tất Lợi sinh năm 1919 tại làng Phù Xá, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội). Từ khi 6 tuổi ông đã được gia đình cho ra Hải Phòng học và giúp việc cho các chú tại một cửa hàng sách báo, nên ông sớm dành sự đam mê của mình cho các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa. Đặc biệt, ông say sưa đọc Tạp chí Khoa học của Nguyễn Công Tiễu – một tờ báo được sáng lập năm 1931, với nội dung chủ yếu là đăng các bài nghiên cứu, phổ biến khoa học.
Tốt nghiệp bậc Tú tài vào năm 1939, Đỗ Tất Lợi quyết định thi vào trường Đại học Y Dược Hà Nội. Với suy nghĩ thời gian học sẽ rút ngắn được 1-2 năm so với học Y, đỡ được một khoản kinh phí cho gia đình. Thời gian học ở Đại học Y Dược, không chỉ hoàn thành xuất sắc chương trình của trường, Đỗ Tất Lợi còn âm thầm tìm hiểu về y học dân tộc thông qua các tài liệu, sách báo xuất bản công khai, hoặc là thông qua những thầy lang ở khắp mọi con phố, làng quê, với mong ước sẽ sản xuất thuốc từ cây cỏ sẵn có trong thiên nhiên theo phương pháp hiện đại.
Năm 1944, Đỗ Tất Lợi lấy bằng Dược sĩ hạng ưu và ra hành nghề. Không giống nhiều hiệu thuốc Tây lấy tên Tây “Pharmacie” lúc bấy giờ, Đỗ Tất Lợi chọn cho hiệu thuốc của mình một cái tên rất Việt, mang đậm bản sắc dân tộc: Hiệu thuốc Tây Mai Lĩnh. Sau này ông viết lại: “Có thể nói rằng cho đến cả sau Cách mạng tháng Tám và kháng chiến Toàn quốc, hiệu thuốc Tây của tôi là hiệu thuốc duy nhất không dùng tiếng Pháp để đặt tên hiệu dù chỉ một chữ Pharmacie”(1).
Dược sĩ Đỗ Tất Lợi tại phòng thí nghiệm, 1962.
Từ tháng 3 đến tháng 8-1945, Đỗ Tất Lợi tích cực theo dõi các hoạt động của Việt Minh, đọc báo Cứu Quốc và thường xuyên trao đổi với kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (người hoạt động rất tích cực lúc bấy giờ và sau là người thiết kế Lễ đài Độc lập trong ngày Quốc khánh 2-9-1945). Hiệu thuốc của ông còn là cơ sở để tuyên truyền, cất giấu tài liệu và ủng hộ tiền thuốc cho Việt Minh.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông hào hứng tham gia công tác tuyên truyền, phụ trách Phòng Thông tin truyên truyền ở Bờ Hồ và phố Hàng Gai, có cơ hội được trực tiếp làm việc với các trí thức như Hoàng Minh Giám, Nguyễn Tấn Gi Trọng. Như tâm sự của ông về tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng đăng trên báo Dân Thanh ngày 31-10-1946: “Chúng ta tin rằng, Cách mạng sẽ tạo ra những nhà Dược học, Y học, vừa tinh thông phương pháp khoa học của phương Tây, vừa am hiểu thuốc Nam, thuốc Bắc, những người có đủ học lực để bảo vệ di sản của tiền nhân… Và một ngày không xa thuốc Đông và thuốc Tây sẽ hòa làm một trong nghề thuốc Việt Nam. Ngày ấy nền Y Dược Việt Nam sẽ rạng ngời thế giới”(2).
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19-12 thì đến ngày 29-12-1946, Đỗ Tất Lợi đóng cửa hiệu thuốc Tây Mai Lĩnh, tham gia kháng chiến với lòng nhiệt thành phơi phới, giống hành động của nhiều trí thức bấy giờ. Động lực lớn nhất của ông Đỗ Tất Lợi vào thời điểm ấy có lẽ chỉ gói gọn trong hai từ “Đất nước”.
Suốt những năm kháng chiến, nơi núi rừng Việt Bắc, ông đã cùng cán bộ ngành dược vượt qua những khó khăn, hiểm nguy để nghiên cứu và sản xuất một số hóa chất, cất cồn cao độ, cất tinh dầu và một số chất được chiết xuất từ các loại cây trong thiên nhiên, nhằm sử dụng cho cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), dược sĩ Đỗ Tất Lợi được cử về trường Đại học Y Dược Hà Nội và đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu - Thực vật. Bắt tay vào giảng dạy, nhận thấy tên những vị thuốc dùng trong tài liệu cho sinh viên vẫn ghi theo tiếng Pháp và tiếng Latin, ông đã nhanh chóng chuyển đổi toàn bộ sang tên Việt và Latinh. Đồng thời với giảng dạy, ông còn dành thời gian nghiên cứu, chiết xuất thuốc chữa tim Neriolin từ lá cây trúc đào, nghiên cứu dùng nha đam chữa lỵ amip thay emetin… Đặc biệt, ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết của mình vào việc biên soạn bộ sách Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam (gồm 2 tập, hoàn thành vào năm 1956-1957), phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy.
Năm 1961, trường Đại học Dược Hà Nội được thành lập, dược sĩ Đỗ Tất Lợi được cử làm Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu. Năm 1965, ông hoàn thành bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (gồm 6 tập, tập 1 xuất bản vào năm 1962). Có thể nói công trình đồ sộ nhất đó trong nghiên cứu khoa học dược liệu là sự hiện thực hóa mong ước của ông rằng, một ngày nào đó nền Y Dược Việt Nam sẽ rạng ngời thế giới.
Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.
Để viết bộ sách, ông đã tham khảo 38 cuốn sách tiếng Việt, 28 cuốn sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, 40 cuốn sách tiếng Trung, 26 cuốn sách tiếng Nga cùng nhiều tạp chí chuyên ngành ở trong cũng như ngoài nước. Lật giở mỗi trang sách của bộ sách đó sẽ dễ dàng nhận thấy tác giả rất công phu, tỉ mỉ ghi chép những vị thuốc mà khoa học đã xác định rõ cơ chế, cả những vị thuốc được thực tiễn kiểm nghiệm hiệu quả… của rất nhiều bệnh thường ngày, như tưa lưỡi, chốc đầu, trớ, cam, đái dầm, chậm lớn… của trẻ em; những vị thuốc cho phụ nữ như kinh nguyệt không đều, sa dạ con, bạch đới, khí hư, khô sữa... đến những thứ bệnh hiện đại như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, dạ dày, suy nhược thần kinh và đưa ra những phương thuốc chữa trị phù hợp. Bởi vậy, trong bộ sách, ông đã đề cập đến hơn 500 cây thuốc, vị thuốc. Bộ sách không chỉ là tư liệu quý cho những người làm nghiên cứu dược học, mà còn gây một niềm cảm hứng lớn cho những người muốn theo đuổi chuyên ngành này, đồng thời gieo vào lòng mỗi người dân sự tự hào về sự giàu có của thiên nhiên, cây cỏ Việt Nam.
Rạng danh nền Dược học Việt Nam
Chính bởi sự đồ sộ, tính khoa học và thực tiễn phổ quát mà bộ sách của dược sĩ Đỗ Tất Lợi đã vươn tầm ra quốc tế, được các nhà khoa học Liên Xô đánh giá rất cao. Tháng 12-1964, khi bộ sách mới in đến tập 5 thì Bộ trưởng Bộ Đại học Liên Xô đã gửi công văn cho Giám đốc Viện Hóa dược học Leningrad, đề nghị lưu ý về việc đánh giá giá trị khoa học của bộ sách. Và chỉ hai năm sau, trên tạp chí Tài nguyên thực vật, quyển 3, tập 1, năm 1967 (một tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô) đăng tải bài viết nhan đề “Cây thuốc Việt Nam và vai trò của GS Đỗ Tất Lợi trong việc nghiên cứu các cây thuốc đó” của các nhà khoa học L. L. Brekman, A. F. Hammerman, I. V. Grusvisky và A. Yasenko-Khmelevsky. Trong bài báo, các tác giả đánh giá cao vai trò của GS Đỗ Tất Lợi với nền y học Việt Nam và cho rằng ông là người có khả năng bắc cây cầu giữa nền y học hiện đại với nền y học cổ truyền. So sánh với các bộ sách về dược liệu của các tác giả ở châu Âu, châu Á, bài viết nhấn mạnh: “Có thể nói rằng, trong rất nhiều bộ sách viết về cây thuốc nhiệt đới, chưa có bộ sách nào có thể sánh với bộ sách của Đỗ Tất Lợi về mức độ chính xác, tỉ mỉ, khoa học. Rất nhiều cây thuốc mà Đỗ Tất Lợi giới thiệu là lần đầu tiên được dẫn ra trong các tài liệu về dược liệu học”. Cuối cùng, bài báo kết luận: Đỗ Tất Lợi hoàn toàn xứng đáng được tặng học vị tiến sĩ khoa học dược học mà không cần phải bảo vệ.
Cây cầu mà GS Đỗ Tất Lợi đã bắc từ nền y học cổ truyền của nhân dân Việt Nam đến nền y học khoa học hiện đại, tất nhiên, mới là bước đầu của quá trình làm phong phú ngành dược liệu học của chúng ta bằng rất nhiều cây thuốc vô cùng quý giá, theo GS A. F. Hammerman
Năm 1983, tại Triển lãm Hội chợ sách quốc tế ở Moscow, bộ sách được bình chọn là một trong 7 viên ngọc quý của triển lãm. Giá trị về nội dung của bộ sách đã mang đến cho ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên, năm 1996. Ông cùng với GS Trương Công Quyền là hai người đầu tiên của ngành Dược được trao tặng giải thưởng cao quý này. Chưa dừng lại ở đó, năm 2006, Hiệp hội Xuất bản Châu Á – Thái Bình Dương (APPA) đã trao giải đặc biệt cho bộ sách.
Không chỉ có bộ sách để đời làm nên tên tuổi, GS Đỗ Tất Lợi còn viết hàng trăm bài báo khoa học công bố bằng các thứ tiếng Việt, Nga, Pháp, Đức, Rumani… Trong công tác đào tạo, GS Đỗ Tất Lợi được coi là người thầy mẫu mực, trong sáng, là tấm gương của nhiều thế hệ. Như lời một học trò của ông - GS.TS Phạm Thanh Kỳ (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội), đã khẳng định: “GS.TSKH Đỗ Tất Lợi là tấm gương về niềm đam mê dược liệu, là một trong các nhà khoa học Y Dược sớm tin tưởng vào thuốc Nam, tích cực tuyên truyền đề cao nền Y học dân tộc, dành sức nghiên cứu y học cổ truyền để tìm ra điều mà y học hiện đại chưa biết”(4).
Phó Giáo sư Phan Văn Các (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Thái Nguyên), là người từng theo thầy Đỗ Tất Lợi đi điền dã thực địa ở các địa phương, thì luôn kính phục, ngưỡng mộ thầy ở cái tâm làm nghề: “Phương pháp suy luận khoa học là điều quan trọng nhất thầy dạy cho chúng tôi. Thầy cũng dạy làm thuốc Nam phải có tấm lòng thành và phải chuyên cần lắng nghe. Tỷ mỉ trong ghi chép kế thừa là đạo đức của người làm thuốc Nam. Thầy còn trao cho chúng tôi kiến thức làm công tác dân vận, vận dụng, thừa kế kinh nghiệm từ người dân… Nhờ đó đã hình thành trong chúng tôi một nhân cách, một con người. Tôi luôn nhớ ơn sâu nặng phương pháp dạy dỗ đào tạo của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi, người thầy trực tiếp, người cha tinh thần trong toàn bộ sự nghiệp của tôi”(5).
GS.TSKH Đỗ Tất Lợi là tấm gương về niềm đam mê dược liệu, là một trong các nhà khoa học Y Dược sớm tin tưởng vào thuốc Nam, tích cực tuyên truyền đề cao nền Y học dân tộc, dành sức nghiên cứu y học cổ truyền để tìm ra điều mà y học hiện đại chưa biết, theo GS. TS Phạm Thanh Kỳ
Một đời miệt mài, cống hiến, sống giản dị, thanh bạch, GS.TSKH Đỗ Tất Lợi đã để lại một sự nghiệp vẻ vang. Dù cuộc đời là hữu hạn, nhưng tiếng thơm còn đó. Nhiều năm sau, nhiều thế hệ sau sẽ còn nhắc nhớ mãi tên tuổi của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi – nhà Dược học làm rạng danh tên tuổi của Việt Nam.
“Khi thấy chúng ta nổ súng đêm 19-12-1946, tôi vui mừng không tả xiết: được đánh Pháp. Chính phủ ta chỉ nhân nhượng chúng một giới hạn nào đó thôi. Vượt qua giới hạn nào đó phải đánh. Có thể nói rằng những ngày đầu theo kháng chiến, tôi đã nghĩ rằng lúc này không phải là lúc hành nghề dược của tôi. Tham gia bất kỳ việc gì cần cho đánh Pháp đã. Có độc lập tự do rồi mới đến nghề nghiệp của mình. Bao nhiêu súng ngắn, súng dài chúng tôi đã mua, đã tự rèn luyện đã đến lúc dùng đến đây. Ngay đêm đầu tiên, tôi đã vác khẩu súng cacbin của tôi đi theo tự vệ xã Hữu Tiệp để bao vây ngôi Nhà Rồng trước kia là nhà của chị vợ Bảo Đại…”, Trích Hồi ký của GS. Đỗ Tất Lợi.
|
Chú thích:
(1) Hồi ký của GS Đỗ Tất Lợi, tài liệu lưu hành lưu hành nội bộ do học trò – dược sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cung cấp.
(2) Tài liệu “Thân thế và sự nghiệp”, đã dẫn..
(3) Tạp chí Tài nguyên thực vật, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, quyển 3, tập 1, năm 1967.
(4) Bài phát biểu của GS.TS Phạm Thanh Kỳ tại Hội thảo 100 năm ngày sinh GS.TSKH Đỗ Tất Lợi, 24-3-2019.
(5) Bài phát biểu của PGS.TS Phan Văn Các tại Hội thảo 100 năm ngày sinh GS.TSKH Đỗ Tất Lợi, 24-3-2019.
Từ Sơn ( Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam)