Search

Phát triển công nghệ tiên tiến, phù hợp

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các nhà khoa học trong nước đã triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) mũi nhọn, tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của CMCN 4.0, phù hợp điều kiện của Việt Nam, như: Công nghệ số, công nghệ sinh học.
Phát triển công nghệ tiên tiến, phù hợp


Giới thiệu mô hình vệ tinh do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chế tạo, tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0. Ảnh: NGUYỄN NINH

 

Hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được một số công nghệ chủ chốt tiên tiến. Tuy nhiên, Nhà nước cần sớm có các giải pháp hỗ trợ để đẩy nhanh việc ứng dụng, chuyển giao, từ đó sớm tạo ra các sản phẩm cụ thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Lựa chọn công nghệ phù hợp

Xác định thế mạnh và xu hướng phát triển công nghệ, thời gian qua, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đầu tư nhân lực, tài chính cho Viện Công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các công nghệ chủ đạo của CMCN 4.0. Năm 2017, có 10 đề tài mới giai đoạn 2017 - 2018 được triển khai, theo các hướng: Trí tuệ nhân tạo, in-tơ-nét vạn vật, phân tích dữ liệu lớn, chuỗi khối. Ðến nay, hướng nghiên cứu, phân tích dữ liệu lớn đã có kết quả là hai hệ thống phần mềm thu thập thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và kinh doanh của doanh nghiệp, với hệ thống dữ liệu thu thập lớn, khả năng phân tích, tính toán, xử lý dữ liệu mạnh. Hai sản phẩm được các nhà chuyên môn đánh giá là tiên phong trong phát triển công nghệ nền tảng của cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam. TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Công nghệ thông tin cho biết, hệ thống thu thập thông tin phục vụ quản lý nhà nước (Hệ thống phần mềm Netsense) cho phép thu thập thông tin tự động từ tối thiểu một nghìn nguồn thông tin trực tuyến (như báo chí, blog, diễn đàn, mạng xã hội...), tự động xử lý thông tin để đáp ứng yêu cầu của người dùng trong khoảng ba giây. Ðịa chỉ ứng dụng của hệ thống sẽ là các cơ quan quản lý nhà nước giúp tổng hợp, phân tích thông tin trực tuyến, phục vụ công tác đánh giá, giám sát, quản lý. Hệ thống thu thập dữ liệu cho doanh nghiệp (Hệ thống phần mềm data espresso) tự động tìm kiếm và thu thập thông tin từ bài viết, bình luận của khách hàng trên facebook, diễn đàn, các website thương mại điện tử... giúp doanh nghiệp biết thông tin khách hàng bình luận về thương hiệu, sản phẩm của mình, qua đó đánh giá được sức mạnh thương hiệu, hỗ trợ đánh giá quy mô thị trường... Theo các kỹ sư phát triển phần mềm này, trên thế giới, các công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu đã được triển khai từ hơn 10 năm qua và hầu như các dữ liệu, thông tin của người sử dụng tại Việt Nam đã nằm trong tay các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook,... Thông tin, dữ liệu là một trong những tài nguyên đầu vào chính của cuộc CMCN 4.0, nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ phụ thuộc các tập đoàn công nghệ của nước ngoài sở hữu dữ liệu của người Việt Nam. Việc phát triển hệ thống phần mềm data espresso sẽ giải quyết bất cập đó. Trên cơ sở công nghệ nền tảng này, nhóm nghiên cứu sẽ ứng dụng trong hoạt động xây dựng pháp luật nhằm lưu trữ các bản dự thảo luật, giúp tìm kiếm, đối chiếu nhanh chóng. Các bộ, ngành có thể ứng dụng để lưu trữ, tra cứu tài liệu hoặc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương phục vụ quản lý.

Trước xu thế rô-bốt công nghiệp ngày càng được phát triển để ứng dụng nhiều hơn, trong năm 2018, các nhà khoa học của Viện Cơ học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã nghiên cứu phát triển thành công cánh tay rô- bốt sáu bậc tự do (SM6), là dòng rô-bốt mới tiêu chuẩn an toàn cao, mô phỏng đầy đủ hoạt động của cánh tay người và phối hợp làm việc chung với con người trong một không gian làm việc. Ðây là lần đầu tiên, Việt Nam tạo được sản phẩm rô-bốt gồm cả phần cứng và phần mềm, phù hợp xu hướng CMCN 4.0. TS Ðỗ Trần Thắng, chủ nhiệm dự án cho biết, công nghệ rô-bốt là một trong các công nghệ trụ cột trong tương lai. Cánh tay rô-bốt SM6 phù hợp điều kiện sản xuất của Việt Nam, nhất là tại các xưởng gia công vừa và nhỏ, sử dụng rô-bốt trên dây chuyền đang có sẵn để thay thế công nhân ở những công việc độc hại, nặng nhọc, như: phun sơn, cấp phôi, làm sạch bề mặt, đánh bóng han gỉ vật liệu, gắp, thả, di chuyển vật...

Công nghệ sinh học thời kỳ CMCN 4.0 cũng bắt đầu được các nhà khoa học trong nước triển khai nghiên cứu, để tạo đột phá cho một số ngành, lĩnh vực ứng dụng. Theo giới khoa học, để bắt kịp các nước phát triển về CMCN 4.0 công nghệ sinh học cần dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, in-tơ-nét vạn vật, trí tuệ nhân tạo để ứng dụng vào các lĩnh vực đặc thù của Việt Nam, như: nông nghiệp thông minh, theo dõi và chăm sóc sức khỏe, giám định môi trường. Thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp thông minh đã có những kết quả bước đầu, với sự kết hợp giữa các kỹ thuật giống cây trồng, kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật phần mềm và công nghệ thông tin nhằm hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại. Chẳng hạn, Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vào sản xuất nông nghiệp. Các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nghiên cứu thành công công nghệ lên men biến rác thải nông nghiệp (cây, cỏ, phụ phẩm chế biến nông sản,...) thành thức ăn chăn nuôi lợn giàu dinh dưỡng, giảm từ 40 đến 50% chi phí chăn nuôi. Ðồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các hộ chăn nuôi, thị trường, thú y,... nhằm giải bài toán cung - cầu còn bất cập hiện nay.

Cơ hội để phát triển KH&CN

Theo TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), mặc dù đi sau so với thế giới, nhưng phát triển những công nghệ nền tảng như công nghệ số rất có giá trị, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà khoa học đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để ứng dụng rộng rãi. Nguyên nhân là do còn ít doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới công nghệ để có thể chuyển hóa các kết quả nghiên cứu, tích hợp với nhu cầu thị trường để tạo nên các ứng dụng mới, công nghệ mới. Sản phẩm cánh tay rô-bốt sáu bậc tự do chưa có nhiều doanh nghiệp biết đến, chưa có đơn vị sản xuất hàng loạt để đưa ra thị trường. Các nhà khoa học rất cần cơ quan nhà nước hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm ứng dụng công nghệ mới, từ đó, nhà khoa học hoàn thiện phần mềm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp. Ðể hệ thống thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu lớn phát huy giá trị, cũng cần sự sẵn sàng ứng dụng công nghệ trong số hóa dữ liệu và chia sẻ các dữ liệu được phép công khai giữa các bộ, ngành.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong khoảng 15 đến 20 năm tới, khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, mạnh với kinh tế thế giới, nhu cầu ứng dụng phân tích dữ liệu lớn trong doanh nghiệp sẽ tăng rất nhanh. TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Công nghệ thông tin cho rằng, trong điều kiện hệ thống kết nối vạn vật (bao gồm cả in-tơ-nét) của Việt Nam tương đối phát triển, nhưng dữ liệu và khoa học về phân tích, tính toán dữ liệu còn hạn chế, Việt Nam cần đẩy mạnh KH&CN xây dựng dữ liệu, định hướng phát triển khoa học thông tin để từ dữ liệu đưa ra được các thông tin hữu ích nhất, giải quyết các câu hỏi của xã hội. Hướng nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng cần được quan tâm, triển khai ngay để ứng dụng biến thông tin thành mệnh lệnh, thực thi các hành động điều hành xã hội, phục vụ con người.

Từ thực tiễn nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực và hạ tầng phục vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ của CMCN 4.0. Bởi vậy, Chính phủ cần coi CMCN 4.0 là cơ hội để phát triển các ngành khoa học cơ bản định hướng ứng dụng, với sự đầu tư đúng tầm, những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh, bứt phá. Ðồng thời, trên cơ sở các công nghệ 4.0 đã được xác định và định hướng ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, các ngành cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện.

Hà Linh

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Tìm hiểu về các chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu liên quan đến sở hữu trí tuệ

Bài tiếp tiếp theo

2 startup xuất sắc vùng Đông Nam Bộ sẽ thi tài tại Techfest Việt Nam 2019