Các đại biểu, các nhà khoa học và chuyên gia tham dự buổi hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam cho biết, nhựa từng được xem là phát minh có tính bước ngoặt của loài người, được đưa vào đời sống hằng ngày và vẫn sử dụng phổ biến đến ngày nay. Tuy nhiên, hành động thiếu ý thức của con người đã biến nhựa trở thành nguyên nhân gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững. Đã có nhiều phong trào hạn chế rác thải nhựa diễn ra và mang đến hiệu quả tác động nhất định tới nhận thức của người dân. Tuy nhiên, các giải pháp hạn chế và thay thế nhựa hiện nay đều chưa khả thi, chưa phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế. Để hài hòa giữa việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và sự tiện dụng trong đời sống, chúng ta cần có thêm những giải pháp đi sâu vào thực chất vấn đề.
Còn theo ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cho biết, hoạt động xử lý chất thải rác sinh hoạt (CTRSH) ở nước ta hiện nay là đem đi chôn lấp, việc tái chế, tái sử dụng chiếm tỷ lệ rất nhỏ và phụ thuộc phần lớn vào việc nhặt phế liệu có thể tái chế của hệ thống thu gom phế liệu không chính thức. Riêng đối với rác thải nhựa, ông Thi cho biết thêm, chưa có quy định về phân loại các loại nhựa, kể cả trong sử dụng làm nguyên liệu cũng như trong phân loại, tái chế rác thải nhựa nên không có chính sách để quản lý phù hợp; chưa có quy chuẩn bảo vệ môi trường đối với chất thải nhựa.
Là người tham gia công trình khoa học nghiên cứu về vật liệu thay thế nhựa của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, ông Nguyễn An Thái cho biết: “Đã có những cải tiến đáng kể trong tìm kiếm chất liệu thay thế nhựa. Tuy nhiên, để thay thế hoàn toàn nhựa khỏi cuộc sống là khó. Bởi chi phí đưa vật liệu thay thế nhựa vào kinh tế rất lớn và vật liệu thay thế chỉ đáp ứng được rất nhỏ nhu cầu sử dụng nhựa hiện nay”. Nhựa từng được xem là phát minh có tính bước ngoặt của loài người, đã được đưa vào đời sống hằng ngày và vẫn phổ biến đến ngày nay. Tuy nhiên, hành động vứt bỏ nhựa ra môi trường gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cũng trình bày các nghiên cứu và ứng dụng nhằm gia tăng vòng đời cho nhựa, các sáng kiến nhằm thu gom, tái chế, tái sử dụng... Từ đó, kiến nghị các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tái chế vật liệu nhựa; đề xuất các hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tự thu gom sản phẩm nhựa của mình, phục vụ cho việc tái chế, tái sản xuất, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế tác hại ra môi trường. Đề xuất các quy trình thu gom, xử lý rác thải nhựa để hạn chế nhựa bị thải ra môi trường, quay vòng tuần hoàn trở lại phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến, thông tin về rác thải nhựa kể cả trên thế giới cũng như Việt Nam. Hiện nay, ngoài việc thực hiện chính sách pháp luật trong vấn đề hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế bảo vệ môi trường các Nghị định hướng dẫn thi hành… Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng để trình Chính phủ các kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đến năm 2020, thành lập một trung tâm quốc tế về rác thải nhựa dự kiến là đặt cơ sở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua các hội thảo quốc tế, hội nghị các nước ASEAN về môi trường, Việt Nam mong muốn để cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia tiên phong đi đầu trong công cuộc chống rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng.
Đăng Anh
Liên kết nguồn tin: Báo Nhân dân điện tử