Tham dự lễ mít tinh có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; đại diện các Sở GD&ĐT Khánh Hoà, Phú Yên, Đắk Lắk, Ninh Thuận; ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Nha Trang; ban giám hiệu của 10 trường THPT có đội đạt giải và 10 đội học sinh thi đạt giải chung kết Môi trường xanh 2024.
Các đại biểu tham dự lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và tháng hành động vì môi trường của ngành Giáo dục năm 2024
Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”, nhằm kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới, chú trọng các giải pháp hiệu quả và mạnh mẽ để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường một cách tổng thể với khẩu hiệu là “Bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, theo Công ước của Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa nền kinh tế toàn cầu.
Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000; nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, cuộc sống phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, đối lập với nó là tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Do đó, bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Muốn giải quyết thành công bài toán ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, trước hết cần bắt đầu bằng việc giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường cho mỗi người dân, cộng đồng, ngay từ những lứa tuổi, cấp học nhỏ nhất.
Trong những năm qua, Đảng uỷ, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu luôn chú trọng và quan tâm việc giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho đối tượng sinh viên, người học, giảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động tại Trường, thông qua các hoạt động như: Tổ chức cuộc thi Môi trường xanh; tổ chức hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường với chủ đề về Năng lượng, môi trường và biến đổi khí hậu - Sử dụng năng lượng hiệu quả tại trường học; Đội ngũ giảng viên, sinh viên không ngừng đổi mới sáng tạo trong hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy để tạo ra các sản phẩm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Ngay sau lễ phát động, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Nha Trang đã trao tặng tượng trưng cây xanh cho các lãnh đạo và các đơn vị tham gia lễ Mít tinh. Bên cạnh đó, đại diện Trường Đại học Nha Trang, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa và Tỉnh đoàn Khánh Hòa đã ký kết giao ước trong việc thực hiện các biện pháp giáo dục, tuyên truyền và hoạt động bảo vệ môi trường đối với cán bộ, viên chức, người lao động, đoàn viên, học sinh, sinh viên.
Thúc đẩy ý thức về bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm đối với cá nhân mà còn là nhiệm vụ xã hội. Bằng cách kết hợp giáo dục và hành động cộng đồng, Trường Đại học Nha Trang cam kết đóng góp vào việc xây dựng một tương lai bền vững và xanh sạch cho thế hệ tương lai.
Một số hình ảnh