Cấu tạo hoa lan D. aphyllum
Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhân giống lan thường thực hiện bằng kỹ thuật nuôi cấy mô cho hệ số nhân cao, số lượng cây giống lớn và đồng điều. Tuy nhiên, phương pháp vi nhân giống loài lan này đã gặp phải một số khó khăn như: chi phí sản xuất cao, thời gian bảo quản cây giống ngắn, chiếm nhiều diện tích và dễ tổn thương trong quá trình vận chuyển.
Ngày nay, công nghệ sản xuất hạt giống nhân tạo đã mở ra những triển vọng mới trong công nghệ sinh học thực vật. Hạt nhân tạo không chỉ nhân nhanh với khối lượng cây lớn, giúp vận chuyển, bảo quản dễ dàng hơn mà ngoài ra hạt nhân tạo còn được sử dụng để bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, nguồn gen đang có nguy cơ tuyệt chủng và nguồn gen mong muốn.
Cho đến nay, ở Việt Nam chưa có kết quả nghiên cứu nào về nghiên cứu nhân giống, tạo hạt giống nhân tạo loài Lan dược liệu D. aphyllum này. Do đó nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ quản Viện Ứng dụng Công nghệ phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Lài tiến hành đề tài: “Nghiên cứu tạo hạt nhân tạo cây lan dược liệu của Việt Nam (Dendrobium aphyllum) phục vụ lưu giữ và nhân giống”, nhằm góp phần tăng cường trong công tác sản xuất giống và bảo tồn nguồn gen qúy hiếm. Với mục tiêu Nghiên cứu tạo hạt nhân tạo nhằm lưu giữ và nhân giống cây lan dược liệu của Việt Nam D. aphyllum.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Đã thu thập, định danh được loài, nghiên cứu cấu tạo vi phẫu rễ, thân, lá, đặc điểm hình thái và cấu tạo hoa lan Dendrobium aphyllum.
2. Đã tìm ra được môi trường khởi động tạo vật liệu khởi đầu thích hợp nhất là môi trường VW + 20g/l sucrose + 7g/l agar + 10% CW + 1,5 mg/L BA + 7,0g/l thạch, pH 5,5 cho hệ số nhân protocorm cao đạt 4,97 lần, hệ số nhân chồi 4,41 lần, chiều cao trung bình của chồi đạt 2,42cm chồi mập, xanh thẫm.
3. Đã tìm ra được nội nhũ nhân tạo thích hợp là môi trường MS + 3% sodium alginate + 2,0 mg/l BA + 0,5 mg/l IBA + 2% sucrose + 0,1% AC + 20 mg/l ABA + 3000 mg/l carbendazim CaCl2. 2H2O 100mM, 30 phút là thích hợp nhất cho việc hình thành hạt nhân tạo, hạt vừa có hình thái đẹp và tỷ lệ nẩy mầm cao, tỷ lệ hình thành chồi và tỷ lệ hình thành rễ của hạt nhân tạo đạt rất cao ở trên môi trường này.
4. Bảo quản hạt nhân tạo trong môi trường MS + 2,0 mg/l BA + 0,5 mg/l IBA + 2% sucrose + 0,1% AC + 20 mg/l ABA + 3000mg/l carbendazim, ở 4°C trong điều kiện tối.
5. Đã tìm ra được môi trường nhân nhanh hạt nhân tạo sau bảo quản là môi trường Cytokinin kết hợp với Auxin như: VW + 20g/l sucrose + 7g/l agar + 10% CW + 1,5mg /l BA + 0,5 mg/l IBA + 30g/l dịch táo + 100g/l dịch khoai tây + 100 g/l chuối +1g/l tảo spirulina cho hệ số nhân protocorm và chồi cao nhất, chất lượng chồi tốt nhất, kéo dài tuổi thọ của chồi trong nhân nhanh. Môi trường tạo cây hoàn chỉnh thích hợp là VW + 20g/l sucrose + 7g/l agar + 10% CW + 1g/l AC + 0,5 mg/l PAA, pH 5,5.
6. Đã tìm ra được giá thể trồng lan Hạc vỹ phù hợp là rêu (sphagnum moss) : xơ dừa (70:30). Sử dụng chế phẩm dinh dưỡng B1- Thái Lan với nồng độ 2g/l, tưới phun 7 ngày/lần sau khi cây in vitro đưa ra vườn ươm một tháng đã giúp cây sinh trưởng tốt, sau 12 tuần ra cây đối cây với loài D. aphyllum. Chiều cao trung bình của cây đạt cao nhất 8,76cm; số lá trung bình đạt 7,88 lá; số nhánh trung bình là 1,86 nhánh và số rễ mới trung bình cũng đạt cao nhất 4,12 rễ.
7. Đã xây dựng được qui trình tạo hạt nhân tạo lan Hạc vỹ (D. aphyllum). Qui trình rõ ràng, ngắn gọn, đã được Hội đồng khoa học thông qua (hạt có chất lượng cao, nảy mầm tốt...).
+ Hạt giống nhân tạo bảo quản sau 3 tháng: 1.000 hạt có tỷ lệ nảy mầm đạt trên 60%.
8. Xây dựng được quy trình nhân giống in vitro sau bảo quản hạt giống nhân tạo. Quy trình có các thông số khoa học, đầy đủ, được Hội đồng Khoa học thông qua (có tỷ lệsống cao, cây khỏe mạnh, sạch bệnh...)
+ Cây giống sạch bệnh: 2.000 cây được nhân giống từ hạt giống nhân tạo (Chiều cao cây 5-7 cm, 3-5 lá, 3-4 rễ).
9. Đã viết 02 bài báo trong nước.
10. Đã tham gia đào tạo 01 NCS.
*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14241/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia
Liên kết nguồn tin: Bộ Khoa học và Công nghệ